Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Phần 4- Ai đưa sấm chớp đến trường Phan Bội Châu?

Phần 4- Ai đưa sấm chớp đến trường Phan Bội Châu?
(Cái chết của học sinh Minh dưới bánh xe jeep Mỹ. Và trong sân trường PBC giờ ra chơi, có ai đó đã hô to : Đả đảo đế quốc Mỹ! Thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tùng : Việt cộng...Rồi đây bọn trẻ sẽ khổ!)

Giờ ra chơi. Căng tin ở cửa sau đầy nghẹt bọn học trò con gái nhiều hơn con trai, um như một góc chợ bán gà vịt. Bọn nhị B1, B2 túm tụm nhau ở dãy lớp phía sau dành cho đệ nhất cấp.Tài lùn khẻ khàng " Xem bà Trang mông, Thu An đầm xòe và Hà liễu kìa. Mỏ với miệng. Chán!". Lê thành Minh xía vào " Nhà tao kề trước chợ công xi rượu Nhiêu Bá (?) nên có lạ gì. Ba bà nặc nô mà lạch bạch đi chung với một con vịt thì thành cái... le marché du parfum!" Khà khà, hả hả...Bọn con trai cười ồn ào.
Lê Đức hỏi Lê Lá "Vụ thằng Minh bị xe jeep Mẽo cán chết hôm kia, hồi sớm mày nói với thầy Vũ, thầy Tự ra sao rồi. Mấy ổng có cho mình mần một phát không vậy?". Lá ròm trả lời "Để hỏi thằng Khai... Ông Vũ chỉ qua ông Tự. Ông Tự bán cái qua ngài Tùng. Mà thầy hiệu trưởng chỉ kêu mình thằng Khai vào phòng giám học nói cái gì đó. Mà hồi nảy, giờ cô Toàn pháp văn, tao đi ngang qua cửa lớp nó thấy nó chạy xuống ngồi chung với Lê Hoàng rù rì to nhỏ. Chắc là có cái gì đó rồi".Thanh nhà cò hít hơi dài điếu thuốc lá capstan, chỏ miệng vào "Nó ra ngoài mua thuốc lá nhà bà Hà ruồi trước cổng. Vào bây giờ. Mẹ... Làm trưởng ban đại diện học sinh mà nói không vô lổ tai ông Tùng, thì chỉ có nước ăn cám".

Khai chợ trèo tường dãy nhà để xe đạp học sinh, níu tay Lê Hoàng nhảy xuống bải cỏ. Cả bọn túm tụm nhau ở cái gôn sân bóng đá sau lưng dãy phòng học. "Sao lại trèo tường?". "Ông Tùng đứng chình ình ở trước cổng phụ dòm ra. Mà vô cổng là như những lần trước ổng hỏi móc ngay họng : Sao? Ban đại diện ra họp kín ở nhà cô bé Hà à?". Đức khùng "Họp cái khỉ gió!". Tài lùn "Nói hỗn mậy. Tao mét ổng bi giờ".
Hoàng hỏi "Mày nói chuyện với cha nào lạ quắc ở trước cửa nhà con Hà ruồi vậy. Tao dòm ở cổng sau chỗ căng tin, thấy ông Tùng đứng ở cổng trước nhìn mày lom lom đó". "Tao để ý thấy ổng rồi. Người hồi nảy là anh Thượng (Nguyễn Xuân Thượng) nhà ở đường Khải Định gần nhà cò, hình như đang học ở đại học Vạn Hạnh trong Saigon. Anh ta hỏi tao nghe nói trường Phan Bội Châu tính làm lễ truy điệu học sinh Minh bị xe Mỹ cán chết có phải không. Ảnh còn nhờ tao tìm tấm hình thằng Minh cho ảnh để đăng báo sinh viên gì đó". Thanh nhà cò "Tao biết ảnh. Nhà ở ngã ba trường tiểu học Đức nghĩa đi tới khoảng năm mười căn nhà gì đó. Gần nhà Kim Chi nhưng ở dãy nhà bên kia đường".
Đức khùng lầm bầm "Sao Saigon biết là mình tính làm lễ truy điệu vụ của Minh vậy cà? Thằng nào tung hê ra vậy? Mà cha Thượng gì đó có nói gì nữa thôi?" "Ảnh hỏi có cần pháo dây không? Tao nói không cần, vì ông Tùng hiệu trưởng yêu cầu chỉ được làm lễ truy điệu trong vòng mươi phút sáng mai giờ chào cờ, mà phải nghiêm chỉnh không được kéo nhau xuống đường. Tao long trọng d' accord rồi. Làm gì mà đốt pháo! Mà ổng yêu cầu phải là tao hay thằng Đức phát biểu. Lá ròm không được. Ổng hỏi tao có thường đến nhà Lê Lá ở Phong Nẩm chơi không. Sao ổng biết Lá ròm ở Phong Nẩm. Kỳ thiệt. Chắc ổng đọc lý lịch ở học bạ."
Thằng Lá ròm xanh mặt, không hiểu là nó ứa gan vì không cho lên phát biểu, hay vì cái gì đó.
Tiếng chuông vào học inh ỏi. "Chuông gì mà phía sau nhà xe cũng mắc thêm mội cái. Cẩn thận dữ ta!" Hoàng kết lại trước khi bỏ chạy trước.
Dãy hàng lang lầu 1 om sòm khi bà Thu An mặc áo đầm màu kem lợt ẹo dáng bên cạnh mấy bạn gái áo dài. Lê Hoàng đi sát bên nói nhỏ cái gì đó. "Dê xồm" Tiếng của cha nào đó hét lên rồi cười ha hả.

Còn chưa vào hết lớp học, thì bỗng nhiên có ai đó hô thật to : "Đả đảo đế quốc Mỹ".
Tiếng thét như con dao nhọn thọc vào trái tim ngôi trường vốn xưa nay vẫn yên ả e thẹn như một người con gái còn trinh.
................
Trong phòng giám học, Khai, Lê Đức, Lê Lá ba thằng đứng trước mặt thầy Tùng, thầy Vũ, thầy Tự, nhìn vẫn vơ lên tường có treo lá cờ và mấy cái bằng khen của Bộ Quốc Gia Giáo Dục.
Thầy Tự mặt hầm hầm đi tới đi lui.
Thầy Vũ đứng cười mĩm, mắt lấp lánh sau cặp kiếng cận dày cui.
 Thầy Tùng cũng đi tới đi lui mỏi chân, đứng lại hỏi "Vậy là mấy ngài của ban đại diện, mà không biết ai đã hô khẩu hiệu à?" Đức khùng nhỏ nhẹ "Dạ thầy hiệu trưởng, khẩu hiệu gì ạ. Tụi em không biết". Thầy Tùng "Không biết? Hừ hừ. Thầy hỏi nhắc lại lần nữa ai la hét đả đảo đế quốc Mỹ". Thầy Vũ hích nhẹ hông hiệu trưởng, lắc lắc đầu.
Khai lầm bầm trong miệng "Thầy chứ ai vô". Thầy Tùng nhìn thấy được (nhưng làm sao mà nghe được) bèn hỏi "Sao Khai, giờ mới chịu khai à. Tên của mình mà, không khai là không được với mấy thầy đâu. Mời nói"
"Em có thể lấy danh dự của ban đại diện mà thề rằng, không hề biết bạn nào đã hô khẩu hiệu, và cũng không có chủ trương làm chính trị trong trường học. Chỉ đơn giản là truy điệu cho bạn Minh, dù không học cùng trường và không quen biết nhau, thì cũng là tuổi học sinh với nhau. Tụi em chỉ muốn biểu thị thái độ với tụi Mỹ mà thôi..." Thầy Tùng ngắt lời "Không làm chánh trị mà lại xin làm lễ truy điệu, lại hô khẩu hiệu đả đảo đế quốc...à, mà cũng đừng có nhân danh tập thể ban đại diện mà thề. Em chỉ nhân danh em thôi" Và thầy trừng mắt nhìn Lá ròm "Em nói gì đi chớ. Người Phong Nẩm biết nhiều thứ lắm đó!"
Thằng Lê Lá xanh mặt làm thinh. Hình như nó xanh mặt từ lúc ra chơi tới bây giờ. Lạ quá...
Hiệu trưởng Tùng quát vào thầy Tự "Ông ngày mai quản lý mấy đứa nhỏ không cho làm lễ làm liếc gì cả. Muốn làm thì ra ngoài đường mà làm. Khi nào ổn ổn rồi thì cho làm nho nhỏ. Sao đồng ý không các vị đại diện?"

Ba thằng bước ra khỏi phòng giám học cùng với thầy tổng giám thị Phan Xuân Tự, vẫn còn kịp nghe tiếng thầy Tùng nói với thầy Vũ "Việt cộng...Rồi đây bọn trẻ sẽ khổ!"


Hồi ký : Năm học đệ nhị 1969-70, ảnh hưởng của phong trào đấu tranh chống Mỹ, chống áp bức bất công tham nhũng, chống bắt lính đôn quân,...của sinh viên, học sinh Huế, Saigon đã ngấm ngầm thấm vào các trường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Chính Tâm,... 

Sự hiện diện của những người lính viễn chinh Mỹ, Đại Hàn, Phi luật tân,...đã làm đảo lộn, băng hoại nếp sống, nếp nghĩ, lề thói, tập quán, phong tục của người miền trung vốn sâu dày cố cựu với quá khứ. Những đám tang buồn thảm của binh sĩ chết trận ngày càng không còn hiếm ở làng nọ, phố kia, dù chính quyền lúc đó đã xáo trộn vị trí địa lý sinh sống và đóng quân của người lính ra đi từ Phan thiết, Bình thuận. Việc mưu sinh của dân chúng ngày càng khó khăn, kể cả gia đình những viên chức, lính tráng ngoài đồng lương còn có thêm phụ cấp vợ, con. Học sinh học hành trong căng thẳng vì chế độ quân dịch hà khắc, vì mất mát bạn bè sau từng niên học. Họ đã vào lính lúc tuổi đời còn rất trẻ, còn ham học ham chơi, và hầu như chưa có một mảnh tình yêu nào trong chiếc ba lô khi vào chiến trận. Những Mai xuân Lai, Lê văn Khôi, Mai hữu Lễ,...cũng chỉ vì lớn hơn các bạn đồng môn 1 tuổi, đã phải rời xa tuổi học trò từ sau năm lớp đệ tứ.

Và...Phan thiết đã đứng lên!
Những cuộc vận động bầu cử thân hào nhân sĩ trí thức tiến bộ vào Hạ nghị viện; những nhóm, hội đoàn, ban đại diện học sinh các trường trung học,...ra đời, công khai cũng có, mà lén lút cũng có.
Hình như lúc ấy chỉ có ban đại diện học sinh Phan Bội Châu là có license. Điều này phải cảm ơn các thầy cô, người thì có quyền quyết định như thầy Tùng, thầy Tự, thầy Vũ, người thì nói vào như thầy Ân, thầy Hào, thầy Vĩnh Diên, cô Yến, cô Toàn... Và cái ban đại diện non nớt chính trị ấy trở thành đích ngắm của phong trào sinh viên học sinh Saigon, của người Cộng Sản hoạt động đâu đó trong và ngoài Phan thiết.
Tôi còn nhớ sau khi ban đại diện học sinh bị quạt tơi bời về vụ "ai đó" hô khẩu hiệu "Đả đảo đế quốc Mỹ" trong sân trường Phan Bội Châu giờ ra chơi, thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tùng vẫn chấp thuận cho tổ chức lễ truy điệu học sinh Minh bị xe jeep Mỹ chạy ẩu cán chết, vài ngày sau đó.
Thầy Tùng nói riêng tôi và Lê Đức, rằng các thầy có bằng chứng Lê Lá bị Cộng Sản giật dây. nằm vùng trong trường học. Vì vậy các thầy muốn Lê Lá nên tránh mặt trong buổi lễ. " Hai em thì thầy biết chỉ là do sự bồng bột của tuổi trẻ, chứ không phải do Việt cộng giật dây. Cở mấy em với xuất thân và tính khí như vậy mà theo họ, thì chắc họ ngày đêm phải cảnh giác đề phòng. Lê Lá có quyền chọn con đường nó đi. Các thầy chỉ mong sao nó sẽ sớm nhận ra đâu là sự thật. Bên an ninh nếu họ biết cũng là việc của họ. Các thầy không thể nào làm kẻ chỉ điểm học trò của mình, các em cũng vậy thôi. Chỉ là cảnh giác! Cảnh giác!" Đại loại là như thế! 
Thầy Tùng đâu có ngờ là tôi, chỉ vài năm sau đó, khi vừa vào đại học, đã trở thành người nhiệt tình theo cách mạng. Dĩ nhiên đó là cuộc cách mạng có mục tiêu chống Mỹ, chống chiến tranh, chống áp bức tham nhũng, đòi hòa bình và hạnh phúc cho dân tộc, như rất nhiều trí thức miền Nam, sinh viên học sinh yêu nước xã thân vì nó.
Ở đây, để kết thúc phần hồi ký này, tôi chép lại 2 đoạn comment gần đây của bạn hỏi và tôi trả lời, về một người bạn sai đường lạc lối đã không còn nữa.

"hỏi KHAI dụ này:Lá ròm học liên lớp v tụi mình hả???nghe bạn bè kể là sau năm 1975 Lá ròm này là HUNG THẦN của các thầy giáo cũ của tụi mình???nếu không nhớ lầm(vì ở xa và già rồi nên LÚ)..LÁ này rụng vài năm rồi...AMEN"

"Các việc HA nêu ra về thằng Lá đều đúng. Tiếc cho nó đã gây ra nhiều sai lầm khó tha thứ được. Nó không theo phong trào chống Mỹ (?!) mà là theo VC chính hiệu từ những năm còn học PBC. Xã Phong Nẩm vùng ven Phan thiết trước 1975 là vùng tranh tối tranh sáng, quốc gia và cách mạng đan xen. Mình ngờ ngợ từ lúc lập nhóm Phan-Trần-Hồ-Lê-Nguyễn (hình như thầy Hào làm cố vấn thì phải, lâu quá quên rồi) và ban đại diện HS PBC 1969-70 ở PT. Hình như các thầy Tùng, thầy Vũ, thầy Tự có biết. K chỉ biết khá chi tiết về Lá ròm khi vào học DHSP Saigon và gặp Nguyễn Xuân Thượng. Phong trào "yêu nước" lúc ấy đã quy tụ một số thầy và trò và chỉ mới là phong trào chống Mỹ ăn theo SVHS Saigon. Cái bóng VC ở ẩn sau lưng rất xa. Nhiều người chủ quan cứ nghĩ là đũ bản lãnh để tự đi theo con đường đấu tranh dân tộc theo cách của mình. Và...thật sai lầm như các bạn đã biết rồi đó. Một bộ phận lớn trong họ đã sớm đi vào tả khuynh, dày xéo lên cái dân tộc đã cưu mang phong trào CM thực sự...trong đó có ông bạn đã quá vãng Lê Lá."


(Ghi chú : Aug 24-2015
Xin đính chính về trường hợp học sinh Minh ..."Tôi còn nhớ sau khi ban đại diện học sinh bị quạt tơi bời về vụ "ai đó" hô khẩu hiệu "Đả đảo đế quốc Mỹ" trong sân trường Phan Bội Châu giờ ra chơi, thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tùng vẫn chấp thuận cho tổ chức lễ truy điệu học sinh Minh bị xe jeep Mỹ chạy ẩu cán chết, vài ngày sau đó."...
Thật ra, tin tức đúng là như thế này : ...........
  • Chiến dịch đốt xe Mỹ: tháng 12-1970, nhân sự kiện em học sinh Nguyễn Văn Minh ở Quy Nhơn bị hai lính Mỹ bắn chết ngay trước cổng trường trong trò chơi "bắn người uống bia", nối theo những vụ giết hại dân thường như Thảm sát Sơn Mỹ, tổng hội liền phát động phong trào đốt xe Mỹ để bày tỏ sự phẫn uất. Rất nhiều nhóm hành động mang tên Sao băng, Sao chổi, Sao xẹt... đã được lập. Chiếc xe đầu tiên bị đốt để mở đầu chiến dịch ở ngã tư Hồng Thập Tự - Cường Để (Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ).
Người Mỹ khi ấy cho rằng phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên miền Nam còn "nguy hiểm hơn Việt Cộng".
......... (trích lục từ

 Giáo dục Việt Nam Cộng hòa – Wikipedia tiếng Việt
https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a )

Như vậy :
- Học sinh Minh là do lính Mỹ bắn chết ở Qui Nhơn, chứ không phải bị xe jeep Mỹ cán chết.
- Việc Ban Đại Diện HS Phan Bội Châu tổ chúc truy điệu học sinh Minh là của năm học đệ nhất 1970-1971, nghĩa là sau khi thi tú tài 1! 
Còn trong năm học đệ nhị 1969-1870, thì tôi nhớ không ra nỗi là đã tổ chức sự kiện nào đó. 

Trân trọng cáo lỗi cùng bạn bè về sự nhầm lẫn này.)



Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Phần 3- Này đây là Phan thiết. Một cái nhìn thoáng qua.

Phần 3- Này đây là Phan thiết. Một cái nhìn thoáng qua.
Bài thơ "Phan thiết yêu dấu ơi! 1967" đã được viết theo những bước chân tình yêu của thuở học trò, trong những năm tháng mà cuộc chiến tranh tàn nhẫn vẫn đang diễn ra ở đâu đó. Chỉ là riêng mình lại mơ hồ không thấy, không nghe, vì bị che lấp đi bởi các chương trình ru ngủ thanh niên như các trại hè CPS chẳng hạn, và cũng vì bị cái bóng cây dừa với dấu khắc Khai + Sương nó mê muội...
Nguyễn Tiến Hiếu ơi! Lúc nào về Phan thiết, cho mình chép lại mấy đoạn thơ mà mình đã quên, mà bạn thì mình tin rằng vẫn còn đang nhớ, đang lưu giữ.

Ngược xuôi trên Mường Mán,
Mấy ai về Phan Thiết thăm cô nàng.
Đây cây cầu ba nhịp,
Kìa lầu nước ngút ngàn.
Hai bên nàng công viên tàn tạ.
Nên nàng buồn cứ mãi lang thang.

Ai về phố Gia Long,
Ghé ngôi chợ xưa thăm gánh cháo lòng.
Bên kia rạp chiếu bóng,
Bên này chợ gạo đong.
Ngắm nàng áo xanh trong cửa hiệu,
Ve cô hàng thuốc má tô hồng.

Ai có về Thương Chánh,
Những trưa hè biển giao với trời xanh.
Em vào làng Vĩnh Phú,
Anh ra tắm bên gành.
Nước biển Đồi Dương mơn cát trắng,
Tóc huyền tung xõa mấy mùa trăng.

Những đồi cát Mũi Né,
Những rùng dừa Rạng ơi.
Ta cùng em nắm tay men lối cũ,
Nhựa dừa khô, đen dấu khắc Khai + Sương.


Ai ra Vạn Thiện,
Ai trở lại Phú Long.
Ruộng hai bên trổ lúa đòng đòng.
Bên trong đồn nhả khói.
Ngoài này muối lên bông.
Nước mắt mấy dòng trên khuôn mặt,
Tình sầu mấy lúc mới nguôi ngoai.

...


(ảnh VõNhưQuốc đưa lên Facebook)

Phần 2 - CPS Bình Thuận mùa hè 1967 (?)! : "Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường"

Phần 2 - Trại hè, tình bạn, và tình yêu thứ 2. 

(Ta vẫn còn nhớ vài kỹ niệm xa xưa về 4 hay 5 đợt sinh hoạt trại hè CPS ("Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường") Bình Thuận mùa hè 1967(?), và nhớ mãi trong tim mình cây dừa ở Rạng với dấu khắc Khai + Sương)

..."Khai chợ ới ời! Qua nhà thầy Vĩnh Diên nha! Tụi tao qua trước." Tiếng thằng Lá ròm eo éo như gà mái mới đẻ! ... Rồi đến tiếng thằng Sỹ khùng "Mày làm cái con c...gì mà kêu hoài không mở cổng.  Nhớ ghé qua nhà bà Hồng Kông đưa vài chục trái tắc tàu sơn móng tay, rồi rủ nó qua nhà thầy Diên luôn. DM nhờ có mấy trái tắc tàu sơn móng tay con gái nó mê, mà thằng cha Khai có nhiều con nhỏ đi theo. Tao trèo tường rào vào nhổ sạch hết bây giờ". "Thằng quỷ Sỹ khùng này lưu manh không thua gì thằng Đức khùng, ăn nói nghe như cứt" Khai lầm bầm rồi trả lời vói qua cửa cổng : "Đợi chút rồi đi luôn thể". Nhưng mấy thằng quỷ sứ có chờ đâu.
Nhà thầy Vĩnh Diên ở giữa con đường Đồng Khánh, gần ngả ba chùa Phật học. Vì là ngày chủ nhật nên khá đông thanh niên Phật tử đến chùa sinh hoạt đi ngang nhà thầy. Bọn Sỹ khùng Đức khùng cầm đàn guitar trước nhà thầy Diên đang gân cổ hát bài Việt nam quê hương ngạo nghể cho các em gái đến chùa nghe. "Mai vào ngày đầu trại hè CPS mà tốp ca. Hát cho các em nghe mà hát bài này thì lảng xẹt. Để tao hò bài Nhịp cầu tri âm, mới là phải đạo nè" Thằng Thanh nhà cò (nhà nó ngay hẽm gần đồn cảnh sát Đức nghĩa nên chết tên) vói tay giựt cây đàn.

  • (Đã bị mất một đoạn dài. Sẽ tìm lại và bổ sung sau vậy)

Gđ 1 ; Phan thiết yêu dấu ơi 1964-71.

 Gđ 1 ; Phan thiết yêu dấu ơi 1964-71.                        

Phần 1- Có phải là tình yêu?

Liệng vội cái cạc táp lên bộ ván ngựa gõ, Khai chạy ra vườn kiểng nhìn vào hồ cá. Chẳng là xem đám cá hồng kiếm, hắc kiếm mới xin bác Hai Trọng đem về bỏ chung hồ với con cá tai tượng to đùng của thời ông nội còn sống để lại, chúng sẽ ra sao đây. Con tai tượng ăn chay từ nhỏ với những cục cơm nguội ném vào hồ, với những trái tắc tàu chín rụng, vậy nên cứ ung dung, lừ đừ bình thản bên cạnh đám cá kiếm đen, đỏ lượn quanh.
Thế là thắng thằng cha Sơn núi một cú ngoạn mục.
Có tiếng con gái kêu ơi ới trước cổng. Bà Huỳnh Lệ Cúc, con tiệm Chấn Phong đối diện nhà mình chứ ai nữa. Khai trèo lên thành hồ, hái vội mấy trái tắc tàu, miệng lầm bầm : Ngựa quá! lại sơn móng tay cho bóng, chẳng bằng với nàng Ngọc Diệp xinh đẹp như cô gái Nhật lúc nào cũng đơn sơ, quê mùa.
Mà nhắc đến Ngọc Diệp, Khai lại thấy lo âu vẫn vơ.
Đưa nắm trái tắc vào bàn tay Cúc, Khai hỏi : Bà có thấy Diệp đi đâu không? Sao tối qua không thấy ở nhà đàn guitar như mọi khi, mà lúc sáng đi học cũng không thấy Diệp mở cổng đi học trước mình như mỗi sáng sớm.
Cúc nói như quát vào mặt : Ở nhà ông mà ông không biết à! Ra khách sạn Anh Đào ở ngã bảy mà gặp. Tui mới gặp hồi chiều hôm qua. Hồi nảy đi học về qua cầu, tui kêu ông tính nói cho ông biết, mà ông cứ ngắm mông bà Trang nên có nghe đâu. Bà Diệp bả...Mà thôi, ông ra ngã bảy gặp đi rồi biết hà.
Cúc rớt nước mắt.
Tôi sững người, mấy trái tắc đỏ rơi qua kẽ tay Cúc, như những giọt lệ máu!

Hồi ký..."Gia đình Diệp thuê nhà của bên nội tôi - số 36 Nguyễn Tri Phương, Đức Nghĩa, gần ngã tư quốc tế ,từ những năm 1960. Ngọc Diệp mang 2 giòng máu Việt Nhật, được cha mẹ nuôi nhận nuôi từ lúc nhỏ ở Saigon và lưu lạc về đất Phan thiết. Tôi, Diệp và Cúc cùng đi học tiểu học, rồi cùng luyện thi đệ thất Phan Bội Châu nhà thầy cùi đường Bến Ngư Ông, học đàn nhà thầy Chung gần chùa Ông, rồi cùng học mấy năm thất, lục, ngũ...ở trường Phan Bội Châu. 
Tôi mang trong tim mình hình bóng của Diệp, cô bạn học xinh đẹp thuê nhà. Vậy mà...chia tay! Bà má của Diệp đổ nợ, đem Diệp gã cho thằng kỹ sư cầu đường người Phi luật tân già khú đế để lấy tiền trả nợ. Con nuôi có phải con dứt ruột đẻ ra đâu mà tiếc! 
Tôi ra ngả bảy! Diệp đứng trên lầu 1 khách sạn Anh Đào, tôi đứng ở tiệm bi da bên đường, bên hông rạp hát Ánh Sáng. Và ...nước mắt! Những giọt nước mắt thất tình của tuổi 15 chỉ đủ để ba mẹ của Diệp phải dọn nhà đi đâu không rõ, nhưng không có phân lượng nào để giữ Diệp của tôi. 
Từ đó, tôi đâm ra ghét cay, ghét đắng mấy thằng ngoại quốc hay lang thang trên hè phố Gia Long."

(ảnh lấy từ Facebook của bạn Le Huan)

MỘT THỜI RỰC LỬA PHÙ DU

                                   Tập hồi ký và những tiểu truyện
                           "Một Thời Rực Lửa Phù Du"
                                                                                                 Hồ văn Khai
                                                   
                                                          "Rằng xưa có gã từ quan,
                                                 Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau..."    
                                                        (thơ của Phạm Thiên Thư)





Hồi ký được viết thành những đoạn truyện ngắn, để đọc rồi...quên được thì quên!

Trong tập hồi ký này, mình sẽ lấy tên thật cho những nhân vật xuất hiện theo thời gian. Có người đã về cỏi vĩnh hằng, có người còn lang thang trên dòng sông định mệnh.
Xin phép không dấu tên.

Và do phải nhớ lại những kỹ niệm đã diễn ra quá lâu trên dưới 50 năm, cho nên có thể sẽ không tránh khỏi có sự nhầm lẫn địa danh, tên nhân vật, thời điểm... Bạn nào có trong dòng sông lịch sử ấy, hay có biết được sự việc, có thể báo cho mình biết những sơ sót để mình sửa lại.
Những đoạn truyện ngắn được viết trên cơ sở người thật việc thật, với tên thật, nhưng cũng có chút hư hư thực thực để có thêm hương vị mặn mà của...mắm và muối xứ Phan.
Và, mong có được sự thông cảm nếu phải nhắc đến dĩ vãng của ai đó, tất nhiên là mình đã lược giản đi những cái thật sự riêng tư của họ.


Giai đoạn 1964-1971, Phan thiết yêu dấu ơi! Tên các nhân vật : Lá ròm (Lê Lá), Đức khùng (Lê Đức), Sơn núi (Cao như Sơn), Thiện (Phạm Công Thiện), Hạnh thầy tu (Nguyễn Hữu Hạnh), Hiếu (Nguyễn Tiến Hiếu), Hùng ung (Ung Thanh Hùng), Tài lùn  (Châu Vĩnh Tài), Hà liễu (Ung Đoàn thị Hà), Trang (Nguyễn Ngọc Đoan Trang), Hồng Kông (Nguyễn thị Hồng Kông),...,thầy Hào toán, thầy Ân vạn vật, thầy Tùng hiệu trưởng, Thầy Vũ tổng giám học, thầy Tự tổng giám thị, thầy Vĩnh Diên, thầy Chung nhạc, cô Toàn pháp văn,...và...không thể thiếu nhân vật này : Khai chợ (Hồ văn Khai).

{ Phần viết thêm để trả lời cho một câu hỏi.
"Hồi ký sẽ ko ngắn đâu. K cố gắng nhớ lại, viết, và trải lòng mình ra. Hồi ký dự kiến có 7 giai đoạn : (ko biết mình có đủ thời gian và sức lực để viết?) Gđ 1 ; Phan thiết yêu dấu ơi 1964-71. Gđ 2 : Đại Học Sư Phạm Saigon, phong trào SVHS và tình yêu trong nghịch cảnh 1971-73. Gđ 3 : Thầy giáo THPT Trảng Bàng-Hậu Nghĩa và thầy tu chùa Phước Lâm 1973-3/75. Gđ 4 : Saigon- Những ngày cuối trận chiến 3/1975-30/4/75. Gđ 5 : Thành phố Hồ Chí Minh -Ánh sáng và Bóng tối, Sự thật và Dối trá 1975-90. Gđ 6 : Bỏ của chạy lấy người- Nỗi ân hận không nguôi 1990-2013. Gđ 7 : Tái ngộ người xưa trên Facebook và Ước vọng về ngày mai 2014-15. Mà, mỗi giai đoạn lại gồm nhiều phần, nhiều đoạn ngắn của giòng sông lịch sử. Mỗi phần gồm tóm tắt hồi ký thời kỳ ấy và một tiểu truyện tiêu biểu mà K tâm đắc.
LL thấy hồi ký có ngắn ko vậy? Chỉ là viết với tư cách người làm chứng một thời kỳ lịch sử phức tạp : xấu và tốt, mờ ám và trong sáng, lừa dối và sự thật,...đan xen với nhau khó nhận diện, mà phải đợi đến tuổi 40, 50, 60 mới thấy được chỉ một góc của sự thật lịch sử và...rùng mình; và là viết trong hoàn cảnh mà -dám nói lên sự thật, là một sự việc "gan cùng mình, nửa khùng nửa điên"! Vì vậy K ráng viết hơi ẩn ý một chút ở những phần "cơ thể nhạy cảm". Mong thông cảm. Thiện tai! Thiện tai!" }

"Có bạn đã nói với tôi như thế này : Xét về nguyên nhân của lịch sử thì các anh và phần rất đông những người thuộc chế độ VNCH đều là những người yêu nước, dù ở hai phía đối lập nhau. Nhưng các anh là những phù thủy tồi, vì đã vô ý thức kêu gọi những âm binh tàn ác về dày xéo lên quê hương đất nước mả không liệu trước cách thức đưa chúng về lại địa ngục. Các anh cũng là những thợ săn tồi vì đã mở toanh cửa rừng để cho bầy sói hung ác vào tàn phá xóm làng giết chóc dân lành mà không tính trước việc xây những chiếc bẩy lồng để nhốt chúng lại. Chính vì vậy, trước 1975, các anh là những người yêu nước mong muốn đất nước độc lập thoát khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Nhưng sau cái ngày tháng ấy, xét về hậu quả, thì các anh - và kể cả một số những nhà lãnh đạo của chế độ VNCH, lại trở thành tội nhân của lịch sử mà các anh và họ không mong muốn và cũng không bao giờ ngờ tới!"



                                       Giai đoạn 1 ; Phan thiết yêu dấu ơi! 1964-71  



   {Xin cảm ơn tác gỉa của 2 tấm ảnh Phan thiết ngày (của ngày xưa) và đêm (của bây giờ)}