Trong giai đoạn này, ở thủ đô Saigon hoa lệ, xin được nhắc đến những chiến hữu và không chiến hữu, những người thân quen và không thân nhưng quen, đã gặp gỡ nhau trong dòng sông đầy đá ngầm, bãi lầy, vũng xoáy; trong dòng sống mơ hồ giữa "chính nghĩa" và "ngụy chính nghĩa", "cách mạng chân chính" vả "cách mạng giả hiệu", lẫn lộn giữa những thủ đoạn chính trị đàng hoàng và thủ đoạn chính trị đê hèn, giữa đấu tranh chính trị và chiến tranh súng đạn, giữa lòng nhân ái và sự tàn nhẫn... Và giữa những con người Việt Nam già và trẻ, "già chính trị" và "trẻ chính trị", với nhau.
Tôi còn nhớ và kể lại (hy vọng sẽ ít đi những sơ sót, nhầm lẫn như giai đoạn còn trẻ ở quê nhà Phan Thiết) về tôi, về Cao Như Sơn, Nguyễn Ngọc Trân, Chín méo ... (ở con hẻm đường Trần Quốc Toản đối diện Viện Quốc Gia Hành Chánh); về bà má Tôn Nữ Thanh Tùng, Võ thị Liên Hà, Võ Đình Bình, Võ Đình Nam, Võ Đình Sơn (gia đình đã cưu mang anh em sinh viên gốc miền trung đi theo con đường đấu tranh cách mạng, nhà ở Bến Vân Đồn quận 4); về Ngô Phàn (Tư Phương), Huỳnh Công Minh, Tô thị Thủy, Cao thị Lệ, Nguyễn thị Liên Hoa, Ngô Tấn Lực, Quan Há, Nguyễn Tri Phương,... (ĐH Sư Phạm SG): về Nguyễn văn Nhã, Nguyễn Huyên, Nguyễn Xuân Hồng,... (ĐH Khoa Học): Đoàn Khắc Xuyên, Linh mục Chân Tín, LM Nguyễn Khắc Từ, LM Nguyễn Ngọc Lan, luật sư Trần Ngọc Liễng, LS Triệu Quốc Mạnh...(phong trào Thanh Sinh Công, Mặt trận Nhân Dân Đòi Thi Hành Hiệp Định Paris,...); về Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Lan Hương, Mỹ Dung,...(Đoàn Văn Nghệ SVHS Saigon): Thượng tọa Thích Thiện Minh, TT Thích Minh Thông?,...(Đoàn SV Phật Tử Ấn Quang): về những năm tháng dạy học tại Trảng Bàng tỉnh Hậu Nghĩa với Lê Thái, gia đình Út Thu, chùa Phước Lâm với thầy tu Thích Chơn Nghĩa...; về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Hoàng Đức Nhã, Trang Sĩ Tấn, Ngô Khắc Tỉnh, ,...(phía chánh quyền VNCH).
Tôi sẽ kể lại một chuyện tình thơ mộng giữa thầy giáo trẻ và cô học trò xinh đẹp ở đất Trảng Bàng, nơi mà mẹ tôi đã lặn lội vượt qua những con đường thỉnh thoảng bị đào ngang nham nhở buộc xe đò chở khách phải đậu lại chờ công binh đến rà phá mìn bẩy lựu đạn gài, từ Phan thiết về đây để làm quen với gia đình cô ấy. Tiếc là chiến tranh khốc liệt đã chia cắt mối tình có duyên mà không có nợ. Và, tôi vẫn còn nợ cô ấy một lời giải thích.
Tôi cũng sẽ kể lại về một tình yêu đẹp như một bài thơ rực lửa trong khuôn viên trường Đại Học Sư Phạm Saigon, giữa một anh chàng sinh viên đảm lược (?) nhưng hào hoa lắm tài vặt học ban Toán đệ I cấp người Phan Thiết với một cô sinh viên xinh đẹp dịu dàng học ban Việt Hán đệ II cấp, giữa một sinh viên miền trung nghèo khó đi theo con đường đấu tranh "CM chân chính" công khai và nguy hiểm với một tiểu thư đài các xuất thân từ một gia đình đại tư bản giàu có nhất nhì của thủ đô Saigon hoa lệ. Một tình yêu trong nghịch cảnh!
Và một lần nữa, tôi cũng xin được nhắc lại sự mong mỏi của người viết hồi ký đã được nhấn mạnh ngay từ đoạn bắt đầu :
"...Hồi ký được viết thành những đoạn truyện ngắn, để đọc rồi...quên được thì quên!
Trong tập hồi ký này, mình sẽ lấy tên thật cho những nhân vật xuất hiện theo thời gian. Có người đã về cỏi vĩnh hằng, có người còn lang thang trên dòng sông định mệnh.
Và do phải nhớ lại những kỹ niệm đã diễn ra quá lâu trên dưới 50 năm, cho nên có thể sẽ không tránh khỏi có sự nhầm lẫn địa danh, tên nhân vật, thời điểm... Bạn nào có trong dòng sông lịch sử ấy, hay có biết được sự việc, có thể báo cho mình biết những sơ sót để mình sửa lại.
Những đoạn truyện ngắn được viết trên cơ sở người thật việc thật, với tên thật, nhưng cũng có chút hư hư thực thực để có thêm hương vị mặn mà của...mắm và muối xứ Phan.
Và, mong có được sự thông cảm nếu phải nhắc đến dĩ vãng của ai đó, tất nhiên là mình đã lược giản đi những cái thật sự riêng tư của họ.
Thiện tai!
Phần 6- Sài Gòn : thủ đô hoa lệ, hòn ngọc Viễn Đông!
Phần 6- Sài Gòn : thủ đô hoa lệ, hòn ngọc Viễn Đông!
Trích lại một đoạn văn ở trang mở đầu (để thấm thía) :
Trả lờiXóa..."Có bạn đã nói với tôi như thế này : Xét về nguyên nhân của lịch sử thì các anh và những người lính VNCH đều là những người yêu nước, dù ở hai phía đối lập nhau. Nhưng các anh là những phù thủy tồi, vì đã vô ý thức kêu gọi những âm binh tàn ác về dày xéo lên quê hương đất nước mả không liệu trước cách thức đưa chúng về lại địa ngục. Các anh cũng là những thợ săn tồi vì đã mở toanh cửa rừng để cho bầy sói hung ác vào tàn phá xóm làng giết chóc dân lành mà không tính trước việc xây những chiếc bẩy lồng để nhốt chúng lại. Chính vì vậy, trước 1975, các anh là những người yêu nước mong muốn đất nước độc lập thoát khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Nhưng sau cái ngày tháng ấy, xét về hậu quả, thì các anh - và kể cả một số những nhà lãnh đạo của chế độ VNCH, lại trở thành tội nhân của lịch sử mà các anh và họ không mong muốn và cũng không bao giờ ngờ tới!"...