Khai đứng chờ chú mười Hạo ở trước cửa nhà bảo sanh Phúc Hải.
Những cây trứng cá bên trường Nam tiểu học hình như lúc nào cũng lấp ló những trái xanh, vàng, đỏ. Khai bỗng chợt nhớ mới ngày nào đó thật là gần, lúc tan học, nó, hai anh em Hạnh, Hiếu với Khoa và Lượm "ngũ quỷ" còn ráng ở lại leo lên mấy cây trứng cá, hái trái chọi nhau. Đứa nào thua chính là đứa mà áo trắng bị bệt đầy nhiều nhất những trái trứng cá chín vỡ. Và rồi vừa đùng đùng nhảy xuống chạy vội ra cổng sau, vừa réo gọi nhau "cai dù", khi bác cai trường ra xua đuổi! Hình như lúc nó học lớp ba, có lần 4, 5 đứa bị thầy giáo Xuân bắt nằm dài trên bục đứng viết bảng mà quất cho mỗi đứa vài roi té khói! Hình bóng mấy đứa trẻ đen nhẻm, quần đùi xanh áo trắng ngắn tay ôm cặp xách cười đùa vô tư trên đường về nhà, cứ lúc ẩn lúc hiện!
Chiếc xích lô vừa đậu xịch lại bên lề đường, bác xích lô đã vội nhảy xuống yên xe, nâng bánh xe sau lên để càng xe hạ thấp cho bà bầu chậm chạp bước xuống. Người chồng thì phải, còn rất trẻ, liệng điếu thuốc đang hút dỡ và cái vỏ bao thuốc lá rubi quân tiếp vụ, dựng chống chiếc xe honda mới toang và lỉnh kỉnh tháo khỏi pọc ba ga một mớ khăn, mền, bình thủy,...
Khai bước tới mang giúp mấy thứ linh tinh đó để anh ta rảnh tay dìu bà vợ bước vào trong nhà bảo sanh. Mùi ête, mùi alcool y tế thoang thỏang dễ chịu. Bà thím tôi đang đi dọc theo mấy cái phòng sơn màu xanh lơ đã vội hối một cô phụ việc : xách đồ vào phòng số 7 đó nghe, sao lại để cậu hai con xách vô phòng mấy bà đẻ. Bà quay sang tôi : Con lên lầu đi, cô mụ Minh có chuyện gì muốn gặp con đó. rồi đi công việc với chú con sau.
Khai dạ một tiếng rồi bước ngang qua phòng đở đẻ trong cùng để lên lầu. Chợt thoáng thấy qua cánh cửa mở hé, mấy cô đở đẻ bợ một đứa nhỏ mới sinh da đen thui đang lớn giọng khóc oe oe! Khóc to họng như vậy thì chắc như bắp rang là con trai rồi!
Cô mụ Minh đưa mấy liển trầu và chục trái cau to xanh bóng cho Khai : "Trầu cau Hốc Môn của người quen từ Saigon mới đem cho hôm qua, con đem về bà nội và nói là cô biếu bà ăn lấy thảo nhe không"
...
Khai để bịch trầu cau lên ghế nệm, chú mười Hạo loáy hoáy đề máy chiếc xe hơi La Dalat, rồi lái chạy một vòng từ rạp hát Hồng Lợi, theo đường Bến Ngư Ông băng qua bến cá Cồn Chà, đánh một vòng vườn bông nhỏ, rồi mới chịu chạy xe về nhà chú Tải ở đường Nguyễn Du, đối diện rạp hát Lilas (?). " Ông chú mình đã quên ghé nhà thờ tự để đưa trầu cau cho bà nội, có lẽ cũng là vì chiếc xe hơi La Dalat cáu cạnh đầu tiên của Phan Thiết (?)!" Khai lầm bầm. " Đi bộ tắt bên hông trường nam tiểu học, rồi quẹo vào Nguyễn Du là thấy ngay nhà chú Tải billard chỉ ...30 giây. Thiệt là ông chú tui khoe xe đây mà!"
Ông Tải, bạn cùng nhóm văn nghệ với ông Hạo (tay trống), thầy Chung Tâm Giao (tay guitar và mandoline),... bước ra cửa đến cây xăng (?) nơi chiếc La Dalat vừa đậu lại, bắt tay bạn, và quay sang Khai : "Chào cháu Khai. Chào anh tú tài xuất sắc, chào anh chủ tịch (?) ban đại diện học sinh, cháu của anh Tân Lập và me sừ Phúc Hải! Giỏi quá đó! Anh Đẩu ba cháu mà còn sống, chắc cam bái hạ phong đứa con này rồi"!
Khai lí nhí, cũng chưa kịp nói gì, thì ông Tải đã đưa tay ra. Khai bắt bằng hai tay, có cảm giác bàn tay ông đầy đặn, ấm áp và thân tình. Ông nói : " Chuyện là vầy. Chú có hai đứa con trai, thằng anh vừa rớt tú tài 1 tính sang năm thi lại vì còn hoãn dịch, đứa em nó đang học đệ nhị sang năm cũng thi. Chú nhờ cháu đến nhà kềm mấy em nó học thêm. Cháu cứ làm tới tới nếu mấy đứa không chịu học. Thầy là thầy, trò là trò.Thù lao không thành vấn đề. Mong cháu giúp cho chú! Sao. Anh Hạo có nói cháu nó trước vụ này chưa vậy?"
Ông Hạo cười cười. Khai gải tai. Thật ra nó mới nghe lần đầu. Chú nó có nói trước cho nó biết gì đâu! Mà gia đình chú Tải thì nó có xa lạ gì. Chị Vân rất xinh đẹp lớn hơn nó vài tuổi. Thằng Tài thua nó 1 tuổi, tính còn lóc chóc.Thằng Minh nhỏ thua 2 tuổi, tính hiền lành. Cô bé Tuyết da trắng bóc như tên gọi,...
Vậy đó. Khai chợ đã trở thành thầy giáo dạy kèm luyện thi bất đắc dĩ như thế đó! Cứ mỗi cuối tuần, khi thì ông Tải, lúc thì chị Vân, đã gởi tận tay thù lao hàng tuần trong chiếc phong bì trịnh trọng. Những cái phong bì mà nó có thể từ đó mua được nhiều sách giáo khoa đọc thêm lớp đệ nhất, túi lo le gói thuốc lá capstan hay gói pallmall với cái hộp quẹt zippo chính gốc Texas (?), mỗi tuần ngồi đồng vài buổi chiều café Nhất Phương, cuối tuần uống la de với các bạn Lê Đức, Sĩ, Lê Hoàng, Lê Thanh, Lê Lá, Thu guitar,... hoặc là lang thang trên hè phố Gia Long :
"...Ngắm nàng áo xanh trong cửa hiệu,
Ve cô hàng thuốc má tô hồng..."
"...Ngắm nàng áo xanh trong cửa hiệu,
Ve cô hàng thuốc má tô hồng..."
Hồi ký :
Bác tôi (tiệm xe đạp và xe gắn máy Tân Lập đường Trần Quốc Toản trước vườn bông nhỏ) và chú Hạo tôi (chú thím có mở nhà bảo sanh Phúc Hải đường Trần Hưng Đạo kế bên trường Nam tiểu học) cũng rất vui khi thấy đứa cháu của mình học giỏi như vậy, nhưng lại không hài lòng việc tôi làm ban đại diện học sinh PBC. Chú tôi làm ở phòng hành chánh tỉnh đường Bình Thuận, thỉnh thoảng hay dè chừng tôi. Ông hay nói Việt cộng trà trộn trong học sinh không hiếm, và cũng không hiếm học sinh có gia đình theo Việt cộng. Phải cẩn thận! Nhà mình ai cũng là người quốc gia cả. Ba cháu cũng tử trận, hy sinh vì quốc gia dân tộc. Cháu phải...
Chú tôi, bác tôi suy nghĩ và nói giống nhau, và nói giống như thầy Tùng, thầy Vũ, thầy Tự những khi gặp tôi và Lê Đức.
Hình như tuổi trẻ lúc ấy cũng chưa hình thành ranh giới của hận thù chính trị, hận thù ý thức hệ, dù chiến tranh đã gây ra đau thương mất mát cho nhiều gia đình cả 2 phía quốc gia và cộng sản.Có lẽ họ- chúng tôi, lúc ấy cũng chưa hiểu sâu xa được cái nguyên nhân chính của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Một cuộc chiến tranh giữa tham vọng của những người "già chính trị" ở hai phía , và giữa máu xương của những người "trẻ chính trị" ở hai phía!
Nhưng lúc ấy, tôi đã có cảm giác là lạ, không hiểu sao phía bên cộng sản không dùng lá phiếu để giành dân, giành đất. Sao lại phải tấn công vào thành thị, gây ra biết bao khói lửa chết chóc cho cả 2 bên. Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện về vị trưởng đồn cảnh sát Đức Nghĩa nhân hậu bị việt cộng sát hại, (ba của hai người bạn thân từ lúc còn học tiểu học là Hạnh và Hiếu). Và tôi vẫn còn nhớ những thây người lính việt cộng rất trẻ nằm im lìm ở sân vận động phía trên nhà thương, sau những ngày tết Mậu Thân 1968.
Chẳng phải đất nước Ấn Độ của nhà cách mạng Gandhi, đã giành độc lập từ tay thực dân Anh bằng phương cách rất hòa bình, hay sao?